Trước khi đi vào tìm hiểu các thành phần của Node thì chúng ta phải cài đặt Node trên máy đã.
Node có thể chạy trên hầu hết các hệ điều hành, từ Linux, MacOS X… cho đến Windows. Ngoài ra các máy tính nhỏ cũng có thể chạy được, như các CPU trên thiết bị di động ARM, Raspberry Pi…
Chúng ta có thể cài Node thông qua các hệ thống quản lý gói có sẵn trên các hệ điều hành UNIX (như apt-get
trên Ubuntu, yum
trên CentOS…),
thông qua trình Installer trên Windows, hoặc build lại từ Source, mặc dù việc build từ source là khá khó và không nên dùng cách này vì phí thời gian.
Cài đặt trên các hệ điều hành UNIX
Đối với các hệ điều hành UNIX thì chúng ta sẽ sử dụng phần mềm quản lý gói có sẵn trong các hệ điều hành này. Việc dùng các chương trình này có một thuận lợi là chúng ta có thể cập nhật phiên bản mới nhất mọi lúc mọi nơi chỉ với một câu lệnh, ví dụ apt-get update
. Và trước khi cài Node thì chúng ta cũng nên chạy câu lệnh này trước.
Sau đó để cài Node thì chúng ta gõ lệnh sau:
Với Debian:
$ apt-get install nodejs
Với Ubuntu:
$ sudo apt-get install python-software-properties $ sudo add-apt-repository ppa:chris-lea/node.js $ sudo apt-get update $ sudo apt-get install nodejs npm
Vậy là xong.
Cài đặt trên Windows
Để cài đặt trên Windows thì cách tốt nhất là chúng ta lên trang chủ của Node và tải trình Installer về cài đặt tại địa chỉ https://nodejs.org/en/download/
Sau đó chúng ta tiến hành cài đặt như bình thường. Lưu ý trong quá trình cài đặt chúng ta nên chọn để trình Installer gán địa chỉ thư mục vào biến môi trường PATH. Nếu không sau này khi code sẽ rất mệt.
Kiểm tra phiên bản Node
Sau khi đã cài đặt thành công. Chúng ta có thể mở trình terminal (trong Windows là Command Prompt – cmd) lên và chạy lệnh node -v
hoặc node --version
để xem phiên bản Node trên máy cũng như kiểm tra xem Node đã được cài đặt thành công hay chưa.
C:\User\PhoCode>node -v v4.5.0